Cách đây chưa đầy 1 thập kỉ, Instagram ra đời – và kể từ đó thế giới không còn giống như trước. Ứng dụng chia sẻ ảnh đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người, trở thành nguồn thu nhập cho nhiều người và đã mang tới sự nổi tiếng cho nhiều người khác. “Tính Instagram” (“Instagrammability”) đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc mọi người quyết định mua gì, mặc gì, ăn gì, và thậm chí là đi du lịch ở đâu. (Bạn đã từng nghe tới cụm “do it for the ‘gram”?). Mọi người lên Instagram để được truyền cảm hứng và khám phá về những thứ họ quan tâm, cho dù đó là về trang điểm, đồ ăn, hay kể cả những thứ như thơ ca, lời nhắc quan tâm bản thân, và gần đây, càng ngày càng có nhiều các thương hiệu và doanh nghiệp đang sản xuất những nội dung đó.
Instagram tự mô tả nền tảng này là một nơi mà “sự thể hiện bằng hình ảnh từ hoạt động kinh doanh truyền cảm hứng cho những hành động có thể nhìn thấy từ tất cả mọi người trên toàn thế giới.” Trong khi kinh doanh quảng cáo vẫn đang là trọng tâm chính của ứng dụng này, Instagram đã kết hợp thêm một số định dạng và tính năng trong vài năm qua để hỗ trợ thương mại điện tử và mua sắm ngay trong ứng dụng. Với 80% người dùng theo dõi ít nhất 1 doanh nghiệp trên Instagram, 60% người dùng sử dụng Instagram để tìm hiểu các sản phẩm và 75% người dùng thực hiện hành động (ví dụ như truy cập website) sau khi xem bài đăng của thương hiệu, rõ ràng là Instagram đang trở thành một mạng xã hội mà bạn nên tập trung nếu muốn thúc đẩy doanh số bán hàng.
Nhưng đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Chính xác thì làm thế nào để một thương hiệu thúc đẩy thương mại trên Instagram? Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu về 1 số chiến thuật đã thành công với một số thương hiệu trong “trung tâm mua sắm kĩ thuật số” trên thế giới nhé!
Collection Ads
Vào đầu năm 2018, Instagram bắt đầu chuyển đổi thương mại điện tử với việc ra mắt định dạng quảng cáo Collection Ads. Kiểu bài đăng này giống như một catalog kĩ thuật số – bao gồm 1 hình ảnh hoặc video to cùng 3 hình ảnh nhỏ phía dưới để giới thiệu nhiều sản phẩm. Khi người dùng nhấp vào, họ sẽ có thể xem các sản phẩm toàn màn hình, và từ đó họ có thể đi tới trang web của thương hiệu để mua hàng. Việc có thể khám phá và mua sản phẩm theo cách trực quan đã cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dùng đối với việc mua sắm trên Instagram và mở đường cho những thứ tiếp theo trên nền tảng này.
Nguồn: Instagram
Các tính năng dành riêng cho mua sắm
Sau định dạng Collection Ads, Instagram cho ra mắt một vài các tính năng dành riêng cho việc mua sắm để giúp trải nghiệm thương mại điện tử trên nền tảng này được mượt mà hơn. Các thương hiệu có thể đặt tag vào các bài đăng và các nhãn dán (stickers) trong phần Stories để khi người dùng nhấp vào, họ sẽ được đưa thẳng tới phần “Add to Cart” trên website của thương hiệu. Hơn nữa, instagram còn cho ra mắt kênh mua sắm trong trang khám phá (explore) bên cạnh các kênh nghệ thuật, du lịch và trang trí. Các tính năng này giúp cho các thương hiệu có thể đăng tải những hình ảnh lifestyle tự nhiên hơn trên Instagram, ngược lại với những hình ảnh sản phẩm thích hợp với các catalog thông thường.
Nguồn: Socialinsider
Và gần đây nhất, Instagram công bố tính năng mới nhất của mình là “Checkout”. Như tên gọi, Checkout giúp khách hàng có thể mua sắm ngay trong ứng dụng mà không cần phải thoát khỏi ứng dụng và tới một trang web khác. Khi người dùng nhấn để xem sản phẩm từ bài đăng của thương hiệu, họ sẽ có thể lựa chọn nút “Checkout on Instagram” rồi nhập tên, email, thông tin thanh toán và địa chỉ giao hàng. Sau đơn hàng đầu tiên, thông tin của người dùng sẽ được lưu một cách bảo mật để mua sắm thuận tiện hơn, và phần tuyệt nhất là người dùng có thể dễ dàng theo dõi đơn hàng của họ vì họ sẽ nhận được các thông báo về vận chuyển và giao hàng ngay trong ứng dụng.
Nếu bạn là một doanh nghiệp có những sản phẩm vật lí thì đây là những tính năng dành cho bạn. Đừng bỏ lỡ cơ hội chia sẻ sản phẩm của bạn với 1 tỉ người dùng hàng tháng của Instagram.
Hợp tác với người có tầm ảnh hưởng
Instagram đã dẫn đầu về việc hợp tác với influencer, với 77% người nhận định đây là kênh influencer marketing quan trọng nhất. Và với 87% người mua hàng được ảnh hưởng từ influencer để quyết định mua hàng, influencer đang thật sự trở thành những người truyền cảm hứng. Ngành influencer marketing sẽ đạt từ 5 tỉ đô tới 10 tỉ đô vào năm 2022, vì thế bạn không nên bỏ qua việc cân nhắc xem liệu một influencer có thể giúp bán các sản phẩm hiệu quả hơn hay không.
Nếu bạn đang tìm cách tận dụng những influencer thì việc đầu tiên nên làm là xem liệu có bất kì một influencer đã nhắc tới sản phẩm của bạn chưa. Nếu chưa thì hãy tìm những influencer có đối tượng khán giả phù hợp với khách hàng mục tiêu của bạn, và đừng quên tìm kiếm cả những micro-influencer.
Khi muốn thúc đẩy doanh số trên Instagram, bạn hãy tận dụng những định dạng quảng cáo và tính năng của nền tảng này, đồng thời xem liệu hợp tác với influencer có phù hợp với thương hiệu của bạn hay không. Chỉ cần nhớ rằng, mặc dù có một số tính năng giúp những bài post của bạn trông giống những bức ảnh lifestyle có thể hòa nhập được vào feed Instagram, đừng làm ngập feed của bạn với những bức ảnh này. Hãy chỉ giữ khoảng 25-30% là những bức ảnh này, còn lại là những nội dung đã giúp cho người dùng theo dõi bạn.
Hi vọng bài viết này có ích với thương hiệu của bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để tìm hiểu thêm về Marketing và các thông tin thú vị bạn nhé!
Nguồn: likeable